Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Chút kinh nghiệm cho con ăn dặm

5h sáng, cho Tôm ti rồi tỉnh luôn, tranh thủ viết cái này kẻo quên.

1. Ăn đủ khẩu phần - Ép hay không ép?
Mẹ bắt đầu "công trình" cho con ăn dặm với khẩu hiệu "tôn trọng bé", và luôn luôn tự nhắc mình điều đó. Con khóc, con ưỡn người, ngậm thức ăn, phun thức ăn... chỉ cần bé biểu hiện 1 trong các dấu hiệu trên là mẹ dừng, không ép con nữa. Thế nhưng, "không ép bé" có phải lúc nào cũng đúng?

Tôm rất thích trò phun mưa, và tình cờ cu cậu phát hiện ra rằng chơi trò phun mưa vào đúng bữa ăn thì rất thú vị, bởi vì phun lúc ăn thì mới có thức ăn bắn ra, để rồi mà lấy ngón tay chọc vào di di nghịch ngợm :d Thế nên có những bữa, mới ăn được 2 thìa là Tôm đã phun phì phì. Mới đầu, mẹ thấy Tôm phun thức ăn là dừng luôn, không cho ăn nữa, dù trong lòng cũng xót xa là con ăn thế chưa đủ đâu, con ăn thế khác gì không ăn etc... Mẹ cũng phải mất ít bữa mới nhận ra, con phun thức ăn chưa hẳn là con không muốn ăn nữa, mà đơn giản là vì con thích nghịch thôi. Bé rất thích thú khi phun phì phì rồi thấy thức ăn bắn tung toé trên bàn, bé càng thích thú hơn khi thấy mình phun thì bố/mẹ lại hét lên "nào nào, không được phun", có lẽ bé bắt đầu biết thu hút sự chú ý của người khác rồi đấy, bố/mẹ càng hét thì bé càng cười khoái chá và càng phun tợn.
=> Bài học rút ra: Nếu bé phun thức ăn, cứ coi như không biết gì, lẳng lặng lấy khăn lau nhanh chỗ thức ăn bắn ra (để bé khỏi lấy tay nghịch), vẫn tiếp tục đút cho bé như không có chuyện gì xảy ra, vừa cho ăn vừa trò chuyện, đại khái "con ăn rau nhé, đây là rau cải xanh đấy, ngon cực kỳ", hoặc "con ăn cá nào, bố mới gỡ cho con buổi chiều đấy" etc... Bé phun nữa, lại kiên trì làm như vậy. Chỉ sau 1, 2 lần bé thấy bố mẹ chả để ý gì đến trò nghịch ngợm của mình, bé sẽ chán và ngoan ngoãn ăn tiếp.

Như vậy, quan trọng là phải nhận biết được khi nào thì bé thực sự không muốn ăn nữa. Trong trường hợp này, mẹ vẫn trung thành với khẩu hiệu "tôn trọng bé". Ép, là chỉ "ép hơi hơi" khi nào bé mải mê nghịch ngợm mà quên mất việc ăn thôi. Còn nếu bé đã chán, hoặc đã no, thì tuyệt đối không ép. Tôm có bữa ăn ít, có bữa ăn nhiều, nhưng lúc nào bé cũng ăn một cách hào hứng, vui vẻ. Bố mẹ không bao giờ vì con không ăn hết mà cáu kỉnh hay la mắng con. Ngoài việc chuẩn bị cho con 1 bữa ăn ngon miệng, thì việc tạo ra một không khí đầm ấm, vui vẻ và dễ chịu trong bữa ăn cũng rất cần thiết cho bé và cho cả người lớn nữa.

2. Luôn lắng nghe và học hỏi, nhưng "mọi ý kiến chỉ có tính chất tham khảo".
Bé bước vào giai đoạn ăn dặm sẽ nhận được sự quan tâm của cả gia đình. Ai cũng yêu quý bé, muốn bé "hay ăn chóng lớn". Ai cũng muốn giúp mẹ và bé bằng việc cho ý kiến về việc ăn uống của bé. "Nên ăn cái này", "nên ăn cái kia", "phải ép cho con ăn chứ"... thậm chí "để thằng bé gầy gò thế" etc...

(Đến giờ chuẩn bị đồ ăn cho Tôm rồi, để tạm đây đã, to be continued :D)